1. Nước
Nước uống: nước dùng để uống thì phải mua nước suối uống và dùng để súc miệng, đánh răng, rửa mặt vì trong Guest House sẽ không cũng cấp nước miễn phí cho mình uống giống như trong khách sạn. Giá chai nước từ Tengboche trở lên sẽ rất mắc vì công vận chuyển lên trên cao rất cực và rất nặng nên giá hơi cao, dao động từ 450 Rs đến 500Rs/chai, cái này không thể so sánh với ở dưới núi được vì Porter phải mang vác rất là nặng để cung cấp đầy đủ nước uống cho khách du lịch.
Nước nóng để uống: một bình thuỷ nước nóng to thì có giá 950Rs/bình, mua dùng để uống cho đỡ đau họng cũng như giữ ấm bụng. Nhóm mình 10 người nên mỗi lần ăn sáng trưa và tối đều mua 2 bình nước to để pha trà và chia nhau bỏ vào bình giữ nhiệt đem theo người để uống dọc đường leo lên núi.
Nước tắm: Từ Lukla lên Namche Bazar thì trong phòng sẽ có nước nóng và chỗ tắm. Từ Tengboche trở lên thì không có nước để tắm nên từ đó mình liên tục lấy khăn giấy ướt lau rồi xịt dầu thơm lên cho nó thơm. Vì thời tiết lạnh lắm nên người cũng không có dơ, vì thế mình không cần thiết phải tắm. Bữa nào mà ở dơ hết nổi rồi thì mình mua hẳn một bình nước sôi to dùng để lau mình cho sạch chứ cũng ko có dám tắm và gội đầu nữa, một phần vì lạnh teo và phần khác cũng không kém phần quan trọng đó là nước nóng ở đây mắc tiền quá và nó cũng có thể gọi là xa xỉ phẩm.
2. Khăn giấy
Khăn giấy khô: 500Rs/cuộn nhỏ xíu và lên núi thì cái gì cũng phải bỏ tiền ra mua chứ không có sẵn.
Khăn giấy ướt: chỉ có bán tại Namche Bazar thôi, chứ lên trên cao thì không có bán. Mình chỉ sử dụng khăn giấy ướt để lau mình bằng nước nóng thôi và trên núi thì khăn giấy là thứ gì đó có thể nói là một thứ xa xỉ phẩm. Cũng may là mình đem theo đủ xài và xài cực kỳ tiết kiệm nên không cần phải mua thêm khăn giấy ướt.
3. Điện
Điện thì phải bỏ tiền ra để sạc pin điện thoại, cục sạc dự phòng hay pin máy chụp hình. Cái này thì mình không có tốn tiền cho lắm, tại vì mình tranh thủ thấy Guest House nào có ổ điện mình đều sạc pin cho đầy để dành xài từ từ, và mình đem tới 2 cục sạc dự phòng lận (1 cục 20.000mah và 1 cục 10.000mah) thì mới xài đủ. Ổ điện trong phòng của Guest House thì sạc cực kỳ lâu, dễ bị hư sạc dự phòng
4. Guest house
Từ Lukla lên Namche Bazar thì nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi, có chỗ để sạc pin, nơi ở sạch sẽ, phòng ốc rộng rãi và đặc biệt là có phòng tắm và toilet riêng trong phòng luôn. Riêng ở Namche Bazar sẽ có nước nóng để tắm và chỉ mở cho đến 6h chiều mà sau giờ đó thì nước lạnh như đá. Cho nên nếu muốn tắm hay sạc đầy đủ pin thì nên tranh thủ làm ở Namche Bazar. Từ Tengboche trở lên thì sẽ có nhà nghỉ sạch, có nhà nghỉ dơ, mà phòng ngủ cũng nhỏ nữa, tất cả đều ko có phòng tắm, không toilet riêng mà chỉ có toilet chung. Ngoài ra cũng không có nước lạnh và nước nóng để tắm, không có điện để xài và nói chung cái gì cũng không chỉ có chỗ để ngủ mà thôi. Nếu muốn tắm thì phải mua nước nóng để tắm, nhưng mình thấy không ai tắm hết kể cả mình. Bên cạnh đó, tối ngủ mà có nghe thấy tiếng bước chân đi qua đi lại là chuyện bình thường, vì họ xây bằng những tấm ván tạm bợ mà thôi, chỉ cần đi nhẹ là đã gây ra tiếng động rồi. Cho nên nếu muốn ngủ ngon thì tốt nhất nên lấy bông gòn nhét vào tai thì không nghe tiếng động ồn ào bên ngoài nữa.
5. Toilet
Từ Tengboche trở lên tất cả Guest House đều sử dụng toilet chung cực kỳ dơ, không có toilet riêng trong phòng, vì càng lên trên cao nguồn nước càng khan hiếm nên không có đủ nước để xài. Trong toilet chỉ có một thùng nước nhỏ để sử dụng dội nước mà thôi, nước thì hơi có màu vàng và rồi trời lạnh quá thì một ít nước để dội toilet cũng bị đóng thành băng nên nó mới cực kỳ dơ như vậy. Mỗi lần mình đi toilet thì mình phải bịt mũi, miệng và nín thở vài giây, nhắm mắt lại coi như không thấy gì, ngậm ngùi mà đi cho lẹ lẹ thôi. Có nhiều lúc dơ quá mình chịu không nổi, thế là tối canh mọi người đi ngủ hết mình mở của ra ngoài trời để đi lộ thiên luôn, trời lúc đó thì lạnh teo mà được cái nhìn lên bầu trời thấy toàn sao không, đẹp dã man luôn. Thế là mình vô tình được ngắm sao ở trên núi của dãy Himalaya tuyệt đẹp, mình cứ muốn ngồi mãi ở đó để ngắm sao nhưng mà trời tối lạnh -7 độ C nên mình đành phải chạy vô ngủ. Thiệt tình mà nói lần đầu mình được nhìn thấy bầu trời đầy sao như vậy và bầu không khí thật là lãng mạn, nhưng rất tiếc là mình không thể chụp lại được bằng điện thoại.
6. Bệnh ngoài da
Mình bị lở cái miệng vì trời lạnh quá, thở bằng mũi thì bị nghẹt mũi, nên đành hả mỏ ra thở, sức son dưỡng môi hoài mà vẫn môi bị khô và lở. Hai cái chân của mình cũng bị lở vì đi và di chuyển quá nhiều, còn tay thì toàn đất cát, da bong tróc ra thấy ghê, nhìn vô thì giống như mấy dân làm ruộng lắm. Nhiều lúc sức kem dưỡng thể lên cho da đỡ khô mà kem dưỡng da mình lỡ để quên ở trên bàn thôi mà cũng bị đông thành đá, thấy không mấy cải thiện nên thôi nghỉ sức dưỡng da luôn.
7. Đau họng
Thời tiết thì lạnh, mình vừa đi vừa thở bằng miệng vì thở bằng mũi hết nổi rồi do bị nghẹt mũi, thế là rất đau họng và ho dữ dội. Gặp giữa đường đi toàn thấy cứt của Porter bò đầy đường cùng với cái mùi hôi rất khó chịu nữa, thế là hít vô đầy bụng, tối về là mình muốn bị bệnh luôn.
8. Thời tiết
Mình đi vào đầu tháng 3 thì trời lạnh teo và khắc nghiệt nhưng bù lại thì mình thấy được những dãy núi tuyết cùng với dòng sông băng tuyệt đẹp mà từ trước tới giờ mình chưa bao giờ được nhìn thấy luôn. Nói chung là được cái này mất cái kia, hai cái bù đắp cho nhau thấy cũng ổn ổn. Lúc đi thì thấy tuyết nhiều còn lúc về thì không còn thấy tuyết trên núi nhiều nữa. Cũng may là mình cũng kịp chụp lại được nhiều hình đẹp để làm kỉ niệm lúc đang leo lên núi. Khi xuống núi, thời tiết cũng bắt đầu ấm dần lên và dường như mình cũng dần quen với thời tiết nơi đây nên cũng không còn thấy lạnh như lúc mới leo lên núi.
9. Bụi
Trên đường đi thì có bụi cũng nhiều vì đường cát đá, gặp lâu lâu có những cơn gió mạnh thổi vù vù ngang qua là cát bay tứ tung, nên mình lấy khăn đa năng hay khẩu trang bịt lại. Nhiều lúc gió mạnh quá mình bịt miệng lại không kịp thì cũng có vài hạt bụi bay vào miệng, thế là nuốt luôn.
10. Cứt bò
Dọc đường đi leo núi không có một cọng rác vì sẽ có thùng rác trên đường, cho nên mỗi khách du lịch đều ý thức được đều đó nên không ai bỏ rác lung tung hết. Nhưng dọc đường đi mình đều gặp một thứ rất quen thuộc mà ngày nào cũng thấy, đó là “Cứt của Porter bò”. Người ta không đem bỏ nó đi mà lụm lại đem đi phơi cho thật khô để sử dụng cho việc sưởi ấm. Họ bỏ vào lò sưởi để sưởi ấm trong nhà thay cho than vào để tiết kiệm chi phí cũng như giảm được một phần rác thải. Tối nào mình cũng ngồi gần cái lò sưởi để sưởi ấm hết. Vì vậy, ngửi cứt bò là chuyện bình thường ở Nepal nhé.
11. Porter
Porter Bò: Dọc đường mà thấy mấy chú Porter Bò đi ngang nguyên đàn thì dừng lại và tránh qua một bên cho mấy chú porter bò đi qua rồi mới đi tiếp, lúc nào trên người của mấy chú bò cũng có cái chuông hết để báo hiệu là nó sắp đi tới, nghe tiếng chuông cũng vui tai, có nhiều con được trang trí dây đeo đủ màu sắc nhìn đẹp lắm. Vì vậy khi nghe tiếng chuông là nên né sang một bên cho Porter bò đi chứ đừng đi trước hoặc đi ngang hàng với nó thi rất là nguy hiểm, nhất là những khúc núi ngoằn ngèo và cao nữa. Khi thấy nó mà không né, nó sẽ có thể tấn công mình bất cứ lúc nào.
Porter người: dọc đường đi mình sẽ thấy rất nhiều những anh/chú porter mang vác trên người rất nhiều hàng hoá, hành lý và cả những miếng ván dùng để xây dựng Guest House hay quán xá dọc đường, tay thì cầm cây gậy ngắn để chống cho dễ đi. Khi thấy họ mang vác đồ lên hay xuống núi thì tốt nhất là né sang một bên cho họ đi trước rồi mình hãy đi tiếp.
12. Sốc độ cao
Chảy máu cam, sổ mũi, nhức đầu, muốn ói, nôn mửa là chuyện bình thường, vì chưa thích ứng và làm quen với độ cao nên sẽ gây ra những triệu chứng như vậy và đó cũng là triệu chứng của sốc độ cao. Cũng đừng lo, mình nên uống thuốc chống sốc độ cao ngay từ đầu sẽ đỡ hơn, tức là sẽ uống từ Phakding ở độ cao 2610m nhưng uống thuốc chống sốc độ cao sẽ gây cho mình tác dụng phụ là bị đau bao tử, vì vậy nên ăn nhiều vào. Cách sử dụng thuốc chống sốc độ cao là mình sẽ uống mỗi ngày 2 viên, sáng và tối sau khi ăn.
13. Nắng
Nắng ở trên núi cực kỳ gắt, tia UV cao, mình xài kem chống nắng SPF 70 mà vẫn không chống được nắng nhiều. Lúc đi da mặt ai cũng trắng hồng, khi về thì bị sạm đen do nắng gắt quá. Mình mang theo kính chống tia UV 400 và khăn đa năng giữ ấm và khăn đa năng chống tia UV 95% thì mới chống nắng nổi. Cứ tới giờ ăn trưa là cả nhóm đều lôi kem chống nắng ra sức để bảo vệ da.
14. Sân bay Lukla
Là sân bay có đường bay ngắn nhất thế giới và nằm trong top 10 sân bay nguy hiểm nhất thế giới. Máy bay nhỏ xíu chỉ chứa đủ có 18 người bao gồm 14 hành khách, 2 phi công ngồi phía trước và 2 phi hành đoàn. Được trải nghiệm bay trên chuyến bay như vậy mang lại cho mình một cảm giác thật thú vị, mình được nhìn thấy toàn cảnh núi non hùng vĩ ở phía dưới và những dãy núi tuyết đẹp tuyệt vời, tuy ngồi có chút khó chịu nhưng mà bù lại cảnh nhìn từ máy bay nhìn xuống thì đẹp muốn xĩu.
15. Thiết bị điện tử dễ bị tuột pin và bị hư
Những thiết bị điện tử như điện thoại, pin máy chụp hình và sạc dự phòng sẽ dễ bị tuột pin vì thời tiết trên núi quá lạnh và khắc nghiệt. Ngoài ra nó cũng sẽ dễ bị hư hỏng nếu không biết cách bảo quản vì độ ẩm và ổ điện trong mấy cái guest house, sạc khá là lâu, mình đã bị hư một cục sạc dự phòng 10,000 mah khi sử dụng ổ điện trong Guest House để sạc pin. Cũng may là mình không sạc trực tiếp vào điện thoại mà chỉ sạc vào cục sạc dự phòng mà thôi. Mình bảo quản những thiết bị điện tử của mình bằng cách mua hạt hút ẩm bỏ vào một chiếc vớ để trong túi zip và bỏ tất cả thiết bị điện tử vào cho nó hút ẩm để không bị hư.
16. Sim điện thoại 3G-WIFI
Mua sim 3G có dung lượng 16G ở Kathmandu có giá khoảng 1.700 Rs chỉ có thể xài 3G được 6 ngày trên núi. Từ Dingboche với độ cao 4410m trở lên thì mạng 3G yếu lắm nên cần phải mua thêm Wifi nếu cần sử dụng , mình có thể mua theo ngày hoặc theo gói. Mua theo ngày có giá khoảng 700 Rs thì chỉ sử dụng tại Guest House ở Dingboche mà thôi, còn mua theo gói có giá khoảng 2000 Rs thì mình có thể sử dụng ở tất cả Guest House từ Dingboche lên Everest Base Camp. Cái vấn đề này cần phải hỏi rõ ở chỗ quầy tiếp tân của Guest House. Mua wifi trên núi sẽ không thể share cho bạn bè xài chung được đâu nha.
17. Trực thăng
Giá bay về bằng trực thăng cực kỳ đắt đỏ tuỳ vào độ cao khác nhau sẽ có giá khác nhau. Ví dụ đi trực thăng từ Dingboche độ cao 4410m về là $1200, và từ Gorak Shep độ cao 5140m là $2000. Một chiếc trực thăng chở tối đa là 3 người, nên trong nhóm có ai muốn về bằng trực thăng thì có thể chia tiền với nhau. Một lưu ý cực kỳ quan trọng là trực thăng sẽ không thể kêu được vào ban đêm mà chỉ có thể kêu vào ban ngày trước 3 giờ chiều và còn phụ thuộc vào thời tiết nữa. Vì vậy, nếu muốn đi về bằng trực thăng thì phải cân nhắc sớm nếu thấy trong người không được khoẻ và không thể tiếp tục leo núi được nữa.
18. Di chuyển xuống núi
Chỉ có 3 cách duy nhất để di chuyển xuống núi mà thôi
- Cách 1: đi về bằng trực thăng. Thời gian leo núi trong suốt hành trình mất khoảng 12 ngày, bay trực thăng về chỉ tốn có 12 phút mà thôi. Cách này thì nhanh chóng, tiện lợi và có thêm một trải nghiệm thú vị là có thể nhìn ngắm núi tuyết từ trên cao nhưng giá thì hơi đắt đỏ.
- Cách 2: đi xuống bằng ngựa hoặc con bò có người dẫn dắt, nhưng cách này thì hơi nguy hiểm vì mình không thể nào kiểm soát được nó, nhất là mấy đoạn núi hiểm trở, mình cũng ít thấy ai về bằng cách này.
- Cách 3: đây cũng là cách mà nhiều người lựa chọn nhất đó là đi bộ xuống núi. Nếu đã leo lên được EBC rồi mà còn sức thì nên đi bộ xuống vì đoạn đường đi xuống dù sao cũng dễ và đỡ mệt hơn đoạn đường đi lên. Ngoài ra lúc mình đi xuống, mình có thể nhìn và ngắm lại những đoạn đường mình đã đi qua cũng như là không hiểu sao mình có thể leo lên cao như vậy. Bên cạnh đó, mình cũng có thể cảm nhận được sự khác nhau giữa leo lên núi và xuống núi như thế nào, đó thật sự một cảm giác thật khó tả.