Đây chỉ là những thứ cần thiết cần phải mang theo cùng với bài viết trước của mình “Chuẩn bị gì trước khi đi trekking EBC” thì mọi người sẽ chuẩn bị đầy đủ đồ để đi trekking hơn nha
12 ngày leo núi là 12 ngày chịu hết những cái khắc nghiệt nhất của cuộc sống. Điều kiện sống thiếu thốn, không có điện và nước, thời tiết khắc nghiệt lạnh đến thấu xương lạnh -5 đến -7 độ, có nơi -17 độ, đường đi thì dốc, đá và gập ghềnh, sốc độ cao, nhức đầu kinh khủng và thiếu oxi để thở. Chuyến đi này thật sự là chuyến đi để đời của mình, vì mình sẽ không bao giờ đi thêm một chuyến như vậy một lần nào nữa. Vì vậy những thứ sau đây thật sự là cần thiết cho một chuyến leo núi cao như vậy. Cuộc sống là của mỗi người việc chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho bản thân mình cực kỳ quan trọng để cho chuyến đi được hoàn thành tốt đẹp và thuận lợi hơn
– Giày leo núi cổ cao, loại chuyên dùng leo núi vì qua đây leo dốc và đường đá hơi nhiều, việc lựa chọn một đôi giầy tốt là điều cần thiết. Mình mua rộng tới 3 size mà còn bị đau chân, nhưng nhờ giày tốt nên hỗ trợ rất nhiều cho mình trong việc đi chuyển
– Quần và áo Heattech mang càng nhiều càng tốt, nếu có điều kiện. Mình mang luôn 6 bộ Heattech vì thời tiết càng lên cao thì càng khắc nghiệt. Trời lạnh quá mình mặc luôn 3 bộ Heattech trên người luôn cho ấm, mặc đi trek và đi ngủ luôn, có gì thì đổi qua đổi lại, đổi bộ trong ra bộ ngoài, bộ ngoài vô trong. Mua loại extra warm của Uniqlo, nếu quần có loại bao luôn cái chân thì mua mặc cho ấm chân.
– 2 bộ đồ mặc ngoài mỏng chống thấm và mau khô thôi vì không có dơ đâu, không cần đem nhiều
– Quần lót giấy vì tiện lợi
– Vớ dày và dài mang 8 đôi, mua ở chợ Nga hoặc qua bên Kathmandu mua, ở đây chuyên bán đồ trekking nên có bán vớ rất dày, giá rẻ cũng ngang bằng Việt Nam, mua nhiều thì nên trả giá. Tối ngủ thường hay lạnh chân và đầu, nên tối mang vớ dày mới ngủ dc. Mình thì mang 3 đôi vớ để ngủ luôn cho ấm
– 3 cái quần chống thấm chống gió bên ngoài, mua bên Fan fan hoặc mua bên Kathmandu (khoảng 2000 Rs nếu trả giá), có rất nhiều mẫu mã đẹp, dày và xịn nữa
– Kính chống tia UV, càng lên cao thì tia UV cực cao, mình mang kính rồi mà còn bị chảy nước mắt
– Nước nhỏ mắt tránh bị khô mắt
– Thuốc chống sốc độ cao “Acetazolamid 250mg” ( uống 1 ngày 2 lần sáng và tối sau khi ăn) mua tại Kathmandu, Nepal, cái này hỏi guide mua ở đâu rồi mua để uống vì đi từ Phakding lên Namche Bazar độ cao thay đổi nên cần phải uống thuốc ngay từ khi bắt đầu leo núi luôn, mấy bạn trong nhóm của mình khi lên tới đây ai cũng bị đau đầu, thậm chí là chóng mặt và ói mửa. Ở Việt Nam cũng có bán nên có thể mua thuốc chống sốc độ cao ở Việt Nam. Có 3 loại thuốc chống sốc độ cao Acetazolamid 250g, Ibuprofen 400mg, Medrol 16mg (uống ngày một viên khi bị đau đầu nhiều, khó ngủ, có tác dụng chống dị ứng). Trong suốt quá trình leo núi thì mình chỉ uống có một loại duy nhất là Acetazolamid mà thôi, chừng nào ai bị sốc độ cao nặng thì mới sử dụng đến 2 loại kia.
– Kem chống nắng 70 đến 100 thì mới chống nổi tia UV ở đây, nắng trên núi cực gắt mình xài kem mà không xi nhê gì hết nhé, da vẫn đen và lột như thường
– 2 cái áo khoác phao và 1 cái áo chống gió có nón, gió ở đây thì lạnh buốt người
– 2 bộ bao tay tốt giữ ấm, gió lạnh quá mình mang bao tay vẫn lạnh buốt
– Nón kết để che nắng và nón len có lông để giữ ấm đầu khi ngủ, đội 2 cái chung với nhau vừa chống nắng và vừa ấm
– Sạc dự phòng: 1 cái 20.000mah và 1 cái 10.000mah
– Khăn đa năng loại có lông bên trong, mua ở Kathmandu (200 Rs/cái), mình thấy đẹp quá nên mua luôn nhiều cái để dành xài
– Thuốc xịt mũi khi bị nghẹt mũi hoặc không thở được, đem ít nhất 2 chai. Nếu ai có bị dị ứng hay viêm mũi thì nên mang theo nhiều. Bạn mình bị viêm mũi do không đem theo đủ chai xịt mũi, tối ngủ không thở được nên phải đi trực thăng về
– Dầu sức phòng khi đau bụng, mệt mỏi, nghẹt mũi
– Miếng dáng giữ nhiệt, mua 1 người 10 miếng để giữ ấm cơ thể khi ngủ hoặc trong quá trình leo núi càng cao, loại dùng được 16 tiếng mua ở chợ Nga. Mua thêm 10 miếng giữ nhiệt tay và chân dùng khi ngủ cho ấm, sử dụng khi ở độ cao trên 4000m
– Miếng dán salonbad phòng khi bị đau nhức, cái này cũng mua nhiều
– Thuốc nhức đầu: Advil, Panadol
– Kẹo ngậm đau họng: gió thổi mạnh với thời tiết lạnh dễ làm mình bị ho và đau họng
– Nước muối súc miệng tránh bị đau họng
– Thuốc tiêu chảy “Lopradium”, thuốc đau bao tử, men tiêu hoá
– Thuốc cảm sốt: Tetanol
– Viên sủi Vitamin C uống sau khi ăn sáng để cung cấp đầy đủ vitamin cho cơ thể hoặc kẹo nhai mutivitamin (mỗi ngày nhai 2 viên)
– Băng vệ sinh để lót giày, mỗi ngày mình đều thay ra 2 miếng, nên mua nhiều vì thời tiết lạnh dễ làm giày bị ẩm, mình đem nhiều mà còn xài không đủ
– Bình giữ nhiệt cực kỳ cần thiết, để giữ được nước ấm trong đoạn đường đi, uống cho đỡ đau họng. Mua loại giữ nhiệt lâu của lock and lock. Thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ lên tới -5 độ C đến -7 độ C nên mọi thứ để bên ngoài đều bị đông thành đá
– Khăn giấy ướt của em bé mình mua 1 bịch, nhưng tốt nhất là mua 3 bịch vì trong suốt 12 ngày không thể tắm được vì nước lạnh như đá và không có nước cũng không gội đầu được nên ko cần phải gội đầu. Leo núi thì có chỗ nhà nghỉ có nước lạnh để xài, có chỗ thì không có mà đa số là không có nhiều hơn. Nước nóng để uống hay để tắm đều phải bỏ tiền ra mua. Mình chỉ sử dụng khăn giấy ướt nhúng qua nước nóng và lau mình cho sạch rồi xịt dầu thơm thôi. Ngoài ra mua thêm 3 hộp khăn giấy khô đem theo, vì mua ở guest house cực kỳ mắc (500 Rs/cuộn), càng lên cao, giá càng tăng do phí vận chuyển nên cái gì chuẩn bị được thì mình nên chuẩn bị trước để giảm bớt chi phí
– Son dưỡng môi, môi sẽ bị khô cực kỳ nếu ko có son dưỡng hay vasaline thì môi sẽ khô và dễ nức nẻ
– Gel năng lượng và socola để tiếp năng lượng trên đường đi, nên mua nhiều, mua 10 gói, nhờ có gel năng lượng mình mới có thể tiếp tục đi được
– Hạt hút ẩm cho thiết bị điện tử, và điện thoại lúc nào mình cũng để chung vào túi ngủ, để ngoài thì sẽ bị ẩm thậm chí đóng băng
– Gậy trekking và túi ngủ cực kỳ quan trọng, cái này tour guide bên Nepal sẽ chuẩn bị cho mình. Tối ngủ phải có thêm cái túi ngủ mới giữ đủ ấm được. Còn gậy nếu có thêm 1 cái nữa thì mang theo vì chống 2 cái đi lên dốc sẽ đỡ mệt hơn
– Đồ ăn: nên mua nhiều loại như mì hảo hảo, miếng phú hương, hủ tiếu, phở,… và để dành lên cao ăn cho đỡ ngán. Mấy ngày đầu mình ăn đồ ăn Nepal thấy ngon, nhưng ăn qua ăn lại cũng thấy ngán, càng lên độ cao hơn, mình lại không ăn được nên lúc đó mì gói, và những thứ mình đem từ Việt Nam qua được coi là cao lương mỹ vị, cứu đói trong lúc khó khăn nhất.
– Tiền: đổi 200 USD ở Kathmandu ra tiền Nepal mới đủ xài vì dùng để mua nước nóng để uống, mua wifi để xài và nhiều thứ khác nữa
Một vài chú ý:
– Sức khỏe là một yếu tố rất quan trọng trong chuyến đi EBC này. Không tập thể dục, không chạy bộ luyện tập sức bền, không trekking, không leo núi, không ăn uống đầy đủ chất thì sẽ không thể nào chinh phục được EBC. Bản thân mình trước chuyến đi 3 tháng mình luyện tập chạy bộ thường xuyên để luyện tập sức bền, tham gia một vài cuộc thi chạy bộ và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mà mới có ngày 2 leo núi thôi mà mình lết lên núi, từng nước từng bước chống gậy đi chậm như cụ già và lúc nào cũng là người về tới nhà nghỉ cuối cùng, ông guide lúc nào cũng theo sát và động viên mình hết.
- Một điều quan trọng không kém trong những lần đi du lịch nước ngoài là phải mua “Bảo hiểm du lịch”. Mình thì hay mua bảo hiểm của AIG vì có nhiều quyền lợi và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ, nhưng nếu mình có gặp vấn đề gì trong chuyến du lịch như mất passort, thất lạc hành lý, bệnh, mất hành lý,… thì bảo hiểm sẽ chi trả cho mình. Trong chuyến đi EBC mình mua gói bảo hiểm loại cao cấp của AIG trong 17 ngày, nó sẽ chi trả 70% trong trường hợp nếu mình có vấn đề về sức khoẻ, sốc độ cao nặng mà không thể tiếp tục đi nữa và phải bay gấp về Kathmandu thì bảo hiểm sẽ chi trả 70%. Còn nếu không mua bảo hiểm du lịch thì mọi chi phí mình sẽ tự lo hết
– Nếu ai có mắc bệnh gì thì nhớ đem theo thuốc cho đủ dùng hoặc dư ra chứ đừng có đem thiếu , thà dư đỡ hơn thiếu thốn
– Balô đeo vai: chỉ cần đựng một bình nước giữ nhiệt để uống, 1 máy chụp hình nhỏ nếu có, một ít bánh kẹo, gel năng lượng và chỉ mang 3 kg trở xuống mà thôi, những thứ ko cần thiết thì để cho poter xách. Mấy ngày đầu mình không biết, mình mang 7 kg trên vai, vì đoạn đường leo dốc rất khắc nghiệt, vừa cao và vừa có đá nên việc mang Balô nặng trên vai làm cản trở bước chân đi của mình. Lúc đó đi không nổi, trên vai thì nặng trĩu, mình chỉ muốn vứt bỏ luôn cái Balô luôn để đi cho khỏe. Rút kinh nghiệm từ mấy ngày trước, mình chỉ đeo khoảng 1 kg trên người mà thôi, nên mình có thể đi nhanh hơn và đỡ mất sức hơn rất nhiều. Hành lý được đem tối đa 15kg cho một chuyến hành trình.
– Trực thăng thì cực kỳ mắc tuỳ vào địa điểm mình bay về thì sẽ có giá cho từng địa điểm. Mỗi chiếc trực thăng chỉ chở tối đa 3 người, thì có thể chia tiền ra cho rẻ. 3 người bạn của mình bay từ Gorak Shep về Kathmandu là 2000 USD, chia ra cho 3 người thì mỗi người khoảng 670 USD. Còn 1 người bạn trong nhóm bay từ Dingboche về Kathmandu có giá là 1.200 USD nhưng vì đi về có một mình nên trả 1.200 USD luôn. Trực thăng thì không có gọi được ban đêm, chỉ có kêu vào ban ngày mà thôi. Đi trực thăng cũng có cái thú vị của trực thăng, được thấy những dãy núi từ trên cao tuyệt đẹp và được trải nghiệm những cái mới lạ
– Chuẩn bị tốt tất cả mọi thứ để đến đích thành công và được ngắm nhiều cảnh đẹp như vậy giống như mình nhé, vì bên cạnh sự khắc nghiệt thì cảnh ở đây đẹp tới say đắm lòng người.